Bộ môn cải lương tuồng cổ luôn có sức hấp dẫn riêng bởi sự đặc trưng vốn có từ nhạc, vũ đạo, võ thuật… và nhất là kịch bản đầy kịch tính luôn nêu cao tình thần tận trung báo quốc của các nhân vật dẫn đến một cái kết luôn làm thoả mãn người xem.
Cuối tuần đến Cung văn hoá Lao Động – Quận 1 – TPHCM xem cải lương tuồng cổ của đoàn Đồng Ấu Bạch Long quả là một điều thú vị vì có nhiều điều ấn tượng từ các nghệ sĩ tâm huyết của bộ môn cải lương tuồng cổ.
Sân khấu đầy ắp khán giả từ lúc 19 giờ. Lạ một điều là rất nhiều khán giả nam hoà lẫn cùng các bà cụ và các thiếu nữ xinh đẹp đi xem… cải lương tuồng cổ, một bộ môn ít sáng đèn trong thời gian qua.
Nổi bật nhất vẫn là thương hiệu Đồng ấu Bạch Long được bà con khán giả yêu thích từ hơn 30 năm qua, từ thời Quế Trân còn nhỏ xíu (giờ đã là NSND) rồi Tú Sương (NSƯT) Trinh Trinh, Thanh Thảo, Chấn Cường, Linh Tý.
Ngày ấy, sư phụ Bạch Long đã làm nhiều điều không tưởng, dìu dắt một “đàn con thơ” bé tí học hát, học vũ đạo và ra rạp chính thức trình diễn với những buổi cháy vé khiến khán giả cải lương vô cùng phấn khích bởi mô hình độc đáo và đầy hấp dẫn.
Giờ đây, hơn 30 năm, vẫn còn đó những tên tuổi đáng quý như: Tú Sương, Trinh Trinh, Thanh Thảo… cùng với sư phụ Bạch Long làm nồng cốt cho đoàn với gần 50 thành viên cũ và mới như: Kim Nhuận Phát, Thuý My, Chấn Cường, Lê Như, Bạch Luân, Trần Quân, Bạch Liên, Bạch Ngân, Gia Lâm, Hồng Phúc, Phú Yên, Đổng Tường, Bạch Tú My… tái diễn lại vở tuồng Long Long Lân Quy Phụng với câu chuyện một về một gia tộc của Nam Bình Hầu Triệu Hổ cùng vợ là Võ trạng và bốn người con Lân Long Quy Phụng tận trung, anh dũng kiên cường trọn đời báo quốc.
Ở Long Lân Quy Phụng lần này có nhiều thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh và con người.
NSƯT Bạch Long cho biết: “Rất vui và hạnh phúc khi thấy khán giả đến ủng hộ đầy rạp, chứng tỏ bộ môn cải lương tuồng cổ vẫn còn sức hút với người mộ điệu. Những ai mê cải lương tuồng cổ sẽ nhớ ngay điệu nhạc, lời ca, giọng thoại của người diễn.Trong Lân Long Quy Phụng lần này hấp dẫn nhất vẫn là câu chuyện của người xưa, trung nghĩa, tận tâm báo quốc. Các lớp diễn vũ đạo như phi ngựa, đi gối, võ thuật nhào lộn… luôn đuợc khán giả vổ tay nồng nhiệt. Các nghệ sĩ như Tú Sương, Trinh Trinh, Thanh Thảo… sáng sân khấu, diễn có nghề và rất máu lửa hợp cùng các bạn trẻ đồng tâm hiệp lực làm nên một vở tuồng rất đáng xem. Cứ nhìn các em diễn, nhìn khán giả vổ tay, nói thiệt không hạnh phúc nào bằng với người sống trọn lòng với nghề như tôi. Đây là vở diễn do tôi dàn dựng và đạo diễn từ năm 1993 vậy mà đến này gần 30 năm vẫn được yêu thương ủng hộ như thế này. Xin cảm ơn khán giả, cảm ơn tổ nghiệp luôn ủng hộ chúng tôi trong hành trình giữ nghề đầy khó khăn như lúc này…“.
Được biết ngày 25/6 đoàn Đồng Ấu Bạch Long sẽ có chuyến đi về Cần Thơ phục vụ trường Đại học cho các em sinh viên vở tuồng Xuân về trên đất Thăng Long. Đây là chuyến lưu diễn mà NSƯT Bạch Long muốn đưa cải lương sử việt đến gần với nhiều người xem hơn.
Một số hình ảnh trong vở diễn:
Phạm Lữ